Đất nước Ai Cập/Văn minh
Phong tục người Ai Cập
sửaHầu hết người dân Ai Cập cổ đại là các nông dân gắn liền với đất đai. Ngôi nhà của họ chỉ giới hạn cho các thành viên trong một gia đình
Nhà của họ được xây bằng gạch bùn nhằm để giữ mát trong những ngày nắng nóng. Mỗi ngôi nhà có một nhà bếp với một mái trần, với một bánh mài để xát hạt và một lò nướng nhỏ để nướng bánh.
Người Ai Cập cổ đại rất coi trọng sự vệ sinh và dáng vẻ bề ngoài. Họ hầu hết tắm trên dòng sông Nile và sử dụng xà phòng nhão làm từ mỡ động vật cùng với phấn.
Đàn ông cạo sạch sẽ toàn bộ cơ thể của họ; nước hoa và các loại mỡ thơm được dùng để che đậy mùi hôi và làm dịu làn da.
Quần áo được làm từ các tấm vải lanh đơn giản và được tẩy trắng
Đàn ông và phụ nữ ở tầng lớp thượng lưu đội những bộ tóc giả, sử dụng đồ trang sức cùng mỹ phẩm.
Trẻ em không mặc quần áo cho đến tuổi trưởng thành, khoảng 12 tuổi, ở tuổi này người con trai phải cắt bao quy đầu và cạo trọc.
Người mẹ chịu trách nhiệm chăm sóc con cái, trong khi người cha mang về nguồn thu nhập cho gia đình
Âm nhạc nghệ thuật và giải trí
sửaÂm nhạc và nghệ thuật múa là những hình thức giải trí phổ biến đối với những người có thể biểu diễn chúng.
Các dụng cụ âm nhạc thủa đầu bao gồm sáo và đàn hạc, trong khi các nhạc cụ tương tự như kèn trumpet, oboe, và ống tiêu chỉ xuất hiện sau này và dần trở nên phổ biến.
Vào thời Tân Vương quốc, người Ai Cập đã chơi các nhạc cụ như chuông, chũm chọe, trống cơm, trống, cùng đàn luýt và đàn lia du nhập từ châu Á.
Người Ai Cập cổ đại đã có được nhiều loại hình giải trí khác nhau, bao gồm cả các trò chơi và âm nhạc. Senet, một dạng bảng chơi, trong đó các quân cờ di chuyển một cách ngẫu nhiên, vốn đặc biệt phổ biến từ thời xa xưa; một trò chơi khác tương tự là Mehen, với một bảng chơi hình tròn. Tung hứng và trò chơi liên quan đến bóng lại rất phổ biến với trẻ em, và đấu vật cũng được chứng thực trong một ngôi mộ tại Beni Hasan. Những thành viên giàu có của xã hội Ai Cập cổ đại rất thích săn bắn và chèo thuyền.
Những khai quật về ngôi làng của công nhân ở Deir el-Madinah đã kết lại những bản khảo nghiệm hoàn hảo nhất về cuộc sống cộng đồng trong thế giới văn minh cổ đại xuyên suốt 400 năm lịch sử. Không còn một nơi nào mà những cơ quan chính quyền, tương tác xã hội, công việc và điều kiện cuộc sống của một cộng đồng được nghiên cứu đầy đủ chi tiết như vậy.
Ẩm thực
sửaChế độ ăn uống chủ yếu bao gồm bánh mì và bia, bổ sung thêm các loại rau như hành tây và tỏi, các loại trái cây như quả chà là và sung.
Rượu vang và thịt chỉ được dùng vào các ngày lễ hội trong khi tầng lớp thượng lưu lại thưởng thức chúng một cách thường xuyên hơn.
Cá, thịt, gia cầm và có thể được ướp muối hoặc phơi khô, chúng có thể được nấu trong các món hầm hoặc nướng trên vỉ nướng.
Kiến trúc
sửaNghệ thuật kiến trúc của Ai Cập cổ đại với một số những công trình được coi là nổi tiếng nhất trên thế giới: Kim tự tháp Giza và các đền thờ tại Thebes. Người Ai Cập cổ đại là những công nhân xây dựng có tay nghề cao . Sử dụng các công cụ và phương tiện đơn giản nhưng lại vô cùng hiệu quả, các kiến trúc sư của họ có thể xây dựng các công trình đồ sộ bằng đá với độ chính xác cao.
Ngôi nhà của tầng lớp thượng lưu cũng như của những người dân thường Ai Cập đều được xây dựng từ các vật liệu dễ hỏng như gạch bùn và gỗ. Người nông dân sống trong những ngôi nhà đơn giản, trong khi nơi ở của tầng lớp thượng lưu lại là những cấu trúc phức tạp hơn. Một vài tòa nhà từ thời Tân Vương quốc còn sót lại như ở Malkata và Amarna, cho thấy các bức tường và sàn nhà được trang trí bằng những bức vẽ về người, chim, bể nước, các vị thần và những phác họa hình học. Những kiến trúc quan trọng như đền thờ và lăng mộ đã được dự định sẽ trường tồn thế nên chúng được xây bằng đá thay vì gạch.
Những ngôi đền Ai Cập cổ đại lâu đời nhất còn được bảo tồn tới ngày nay là ở Giza, chúng chỉ bao gồm duy nhất một đại sảnh bao quanh cùng phần mái được đỡ bởi các cây cột. Vào thời Tân Vương quốc, các kiến trúc sư đã xây dựng thêm tháp môn, khoảng sân ngoài, và một khu vực hành lang bao quanh với nhiều cây cột phía trước khu vực thánh đường của ngôi đền, một phong cách tiêu chuẩn điển hình cho đến giai đoạn Hy Lạp-La Mã.
Những kiến trúc mai táng sớm nhất và phổ biến nhất vào thời Cổ Vương quốc là mastaba, đó là một cấu trúc mái bằng hình chữ nhật xây bằng gạch bùn hoặc đá phía trên một căn phòng chôn cất dưới lòng đất.
Kim tự tháp bậc thang của Djoser là cấu trúc bao gồm một loạt các mastaba đá xếp chồng lên nhau. Các kim tự tháp được xây dựng vào thời Cổ và Trung Vương quốc, nhưng sau đó chúng dần bị các vị vua từ bỏ và họ tập trung vào xây dựng những ngôi mộ được đào sâu vào núi vốn ít bị chú ý hơn. Chỉ có triều đại thứ 25 là một ngoại lệ, bởi vì các vị pharaon của triều đại này lại xây dựng các kim tự tháp.
Nghệ thuật
sửaNgười Ai Cập cổ đại sáng tạo ra các tác phẩm nghệ thuật nhằm phục vụ nhiều mục đích khác nhau. Trong hơn 3500 năm, các họa sĩ luôn trung thành với những hình mẫu nghệ thuật và hình tượng đã được phát triển vào thời Cựu Vương quốc, và tuân theo những nguyên tắc nghiêm ngặt mà chống lại những ảnh hưởng ngoại lại và những thay đổi nội tại.
Những tiêu chuẩn mỹ thuật này với những đường nét đơn giản, khuôn mẫu, với các khu vực cùng màu kết hợp với những hình vẽ mang tính đặc trưng mà không có dấu hiệu của chiều sâu không gian- tạo ra một cảm giác trật tự và cân bằng trong một tổng thể chung. Hình vẽ và các bản văn thì lại hòa quyện với nhau trên các bức tường trong những ngôi mộ và đền thờ, trên các quan tài, bia đá, và thậm chí cả trên những bức tượng. Bia đá Namer là một ví dụ cho thấy những hình vẽ đó cũng có thể được đọc như là chữ tượng hình.
Vì những quy tắc cứng nhắc này đã chi phối tính cách điệu và phong thái tượng trưng cao độ của nó, nghệ thuật Ai Cập cổ đại chủ yếu phục vụ mục đích chính trị và tôn giáo với độ chính xác và sự rõ ràng
Nghệ nhân Ai Cập cổ đại sử dụng đá để tạc tượng và phù điêu, nhưng họ cũng sử dụng gỗ như là một sự thay thế rẻ hơn và dễ dàng khắc hơn. Màu vẽ được lấy từ các khoáng chất như quặng sắt (màu đỏ và màu vàng son), quặng đồng (màu xanh và màu xanh lá cây), bồ hóng hoặc than (màu đen), và đá vôi (màu trắng). Màu vẽ được trộn với nhựa gôm Ả rập như một chất kết dính và được ép thành bánh để có thể hòa vào nước khi cần thiết.
Các pharaon sử dụng các bức phù điêu để ghi lại chiến thắng của họ trong những trận chiến, chiếu chỉ của hoàng gia, và những cảnh tôn giáo.
Những người dân thường cũng có quyền tiếp cận với những tác phẩm nghệ thuật tang lễ, như các bức tượng shabti và sách của người chết, mà họ tin rằng sẽ bảo vệ họ ở thế giới bên kia.
Trong suốt thời kỳ Trung Vương quốc, những khuôn mẫu bằng gỗ hoặc đất sét miêu tả quang cảnh cuộc sống hàng ngày đã trở thành một sự bổ sung phổ biến cho các ngôi mộ. Trong một nỗ lực nhằm để tái dựng lại các hoạt động của người sống sau khi bước sang thế giới bên kia, họ đã tạo nên các mô hình người lao động, nhà ở, tàu thuyền, và thậm chí cả mô hình quân sự để thể hiện những quan niệm của người Ai Cập cổ đại về thế giới bên kia .
Mặc dù nghệ thuật Ai Cập cổ đại có sự đồng nhất, những phong cách đặc thù vào những khoảng thời gian và địa điểm cụ thể đôi khi phản ánh sự thay đổi thái độ văn hóa hay chính trị. Sau cuộc xâm lược người Hyksos trong thời kỳ chuyển tiếp thứ hai, những bức bích họa mang phong cách Minoan đã được tìm thấy tại Avaris. Ví dụ nổi bật nhất về một sự thay đổi định hướng chính trị trong các hình thức nghệ thuật đến từ thời kỳ Amarna, với những hình mẫu được thay đổi hoàn toàn để phù hợp với những ý tưởng tôn giáo mang tính cách mạng của Akhenaten.
Niềm tin tôn giáo
sửaNiềm tin vào các vị thần và thế giới bên kia đã ăn sâu vào trong nền văn minh Ai Cập cổ đại ngay từ thủa sơ khai .
Luật lệ của Pharaon được dựa trên quyền lực thần thánh của các vị vua.
Các ngôi đền Ai Cập là nơi trú ngụ của các vị thần, những người có quyền lực siêu nhiên và luôn được dân chúng cầu xin sự giúp đỡ và bảo vệ. Tuy nhiên, các vị thần không phải lúc nào cũng được coi là nhân từ, và người Ai Cập tin rằng họ có thể được xoa dịu bằng việc hiến tế và cầu nguyện.
Hệ thống các vị thần này thay đổi liên tục bởi vì các vị thần mới luôn được phong cấp trong hệ thống cấp bậc, trong khi các vị tư tế lại không có bất cứ nỗ lực để thiết lập các thay đổi này cùng với những câu chuyện thành một thể thống nhất và đôi khi lại khiến cho những câu chuyện thần thoại này mâu thuẫn với nhau.
Các vị thần được thờ cúng trong những ngôi đền chiu sự quản lý của các vị tư tế đại diện cho nhà vua. Tại trung tâm của các ngôi đền đều có một bức tượng dược thờ cúng trong một điện thờ. Các ngôi đền không phải là nơi dành cho việc thờ cúng chung, và chỉ vào một số ngày lễ và lễ kỷ niệm thì là bức tượng của vị thần mới được đem ra để thờ phụng công khai trong một điện thờ. Thông thường, lãnh địa của các vị thần luôn cách biệt với thế giới bên ngoài và chỉ có các quan chức của ngôi đền mới được phép đặt chân vào.
Người dân có thể thờ cúng các bức tượng riêng trong nhà của họ, và đeo những lá bùa hộ mệnh nhằm chống lại các thế lực gây ra sự hỗn loạn. Sau thời kì Tân Vương quốc, vai trò của pharaon như một trung gian tâm linh bị giảm nhẹ, hay nói cách khác những phong tục tín ngưỡng đã chuyển dịch tinh thần đến việc thờ phượng trực tiếp các vị thần thay vì phải qua pharaon. Kết quả là, các linh mục đã phát triển một hệ thống những nhà tiên tri nhằm giao thức với ý nghĩ của thần linh và truyền lại trực tiếp đến người dân.
Người Ai Cập tin rằng mỗi con người được cấu tạo từ các bộ phận cơ thể và phần linh hồn. Ngoài cơ thể, mỗi người còn có một swt (bóng), một ba (tính cách hay linh hồn), một ka (sức sống), và một cái tên.
Trái tim chứ không phải là não được coi là nơi chứa đựng những suy nghĩ và cảm xúc. Sau khi chết, phần hồn sẽ được giải phóng khỏi cơ thể và có thể lang thang một cách tự do, nhưng nó cần một cơ thể khác (hoặc thay thế, chẳng hạn như một bức tượng) để làm một ngôi nhà vĩnh viễn.
Mục tiêu cuối cùng của người đã khuất đó là đoàn tụ lại được với ka và ba của mình, để có thể trở thành một akh. Để điều này xảy ra, người đã khuất phải trải qua một phiên tòa, trong đó trái tim của họ được đem cân với một "sợi lông chân lý". Nếu được coi là xứng đáng, người đã khuất có thể tiếp tục tồn tại trên trái đất dưới dạng phần hồn.
Phong tục mai táng
sửaNgười Ai Cập cổ đại đã duy trì một tập hợp phức tạp các phong tục mai táng mà họ tin là cần thiết để đảm bảo sự bất tử sau khi qua đời. Những phong tục này liên quan đến việc bảo vệ cơ thể bằng cách ướp xác, thực hiện các nghi lễ chôn cất, và an táng cùng với đồ vật mà người chết sẽ sử dụng trong thế giới bên kia.
Trước thời Cổ Vương quốc, thi hài người chết được chôn cất dưới các hố được đào trong sa mạc và nó được bảo quản khô một cách tự nhiên. Sự khô cằn của sa mạc là một điều kiện thuận lợi giúp cho việc chôn cất của những người dân nghèo trong suốt lịch sử của Ai Cập cổ đại, vì họ không có khả năng chi trả cho quá trình chôn cất công phu vốn dành cho tầng lớp thượng lưu.
Những người Ai Cập giàu có đã bắt đầu chôn cất người chết trong những ngôi mộ bằng đá và sử dụng quá trình ướp xác nhân tạo, mà trong đó họ loại bỏ các cơ quan nội tạng, quấn toàn bộ cơ thể người chết bằng vải lanh, rồi chôn cất trong một quan tài bằng đá hình chữ nhật hoặc quan tài bằng gỗ. Bắt đầu từ triều đại thứ tư, một số bộ phận đã được bảo quản một cách riêng biệt trong các lọ đựng nội tạng.
Vào thời kỳ Tân Vương quốc, người Ai Cập cổ đại đã hoàn thiện nghệ thuật ướp xác . Kỹ thuật tốt nhất mất tới 70 ngày để loại bỏ các cơ quan nội tạng, loại bỏ não thông qua mũi, và làm khô thi hài bằng một hỗn hợp muối gọi là natron. Thi hài sau đó được bọc trong vải lanh cùng với những tấm bùa hộ mệnh bảo vệ chèn vào giữa các lớp vải và được đặt trong một quan tài hình người được trang trí cầu kỳ. Nghệ thuật ướp xác dần trở nên suy tàn dưới thời Ptolemy và La Mã, trong khi lại nhấn mạnh hơn đến hình dáng bên ngoài được trang trí của xác ướp.
Trong khi người Ai Cập giàu có được chôn cất với một số lượng lớn các vật dụng xa xỉ, thì trong tất cả các ngôi mộ bất kể địa vị xã hội, luôn có những đồ đạc dành cho người chết. Bắt đầu từ thời Tân Vương quốc, sách của người chết luôn có đi kèm trong các ngôi mộ, cùng với những bức tượng shabti mà được tin là để lao động thay cho chủ nhân của chúng ở thế giới bên kia.